Ñaït Nieäm Phaät Tam Muoäi
thì vieäc Vaõng Sanh ñaõ chaéc chaén

niemphat.edu.vn

KHÔNG CÓ CƠ SỞ TIỂU THỪA, MUỐN HỌC ĐẠI THỪA SẼ RẤT KHÓ KHĂN

KHÔNG CÓ CƠ SỞ TIỂU THỪA,

MUỐN HỌC ĐẠI THỪA SẼ

RẤT KHÓ KHĂN

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Kinh dạy chúng ta về tình hình của hàng tiểu thừa sau khi chứng đắc Sơ quả: Nhất định là trong lúc có Phật trụ thế, họ theo Phật Học Pháp, chứng đắc Sơ quả, tức là đoạn sạch tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong tam giới rồi mới chứng đắc Sơ quả. Chứng đắc Sơ quả rồi còn phải bảy lần sanh trong Cõi Trời hay trong nhân gian rồi mới có thể chứng Tứ Quả La Hán.

Cõi người thọ mạng ngắn ngủi, Cõi Trời thọ mạng lâu dài. Huống chi bảy lần sanh tử, thời gian ấy phải dùng những con số thiên văn để tính toán, quá ư là dài.

Đến lần thọ sanh thứ bảy trong thế gian, nếu trong Thế giới này không có Phật thì làm cách nào?

Có Phật thì người ấy nhất định có cơ duyên thân cận Phật, chứng quả A La Hán, không còn phải bàn cãi gì nữa!

Không có Phật thì sao?

Không có Phật thì người ấy vẫn có thể chứng quả. Không có Phật thì họ thành Độc giác, quyết định chẳng tái sanh lần thứ tám. Sau khi chứng đắc Sơ quả, cũng giống như là quý vị đã được bảo đảm, bảy lần qua lại trong Cõi Trời và cõi người, nhất định chứng quả. Đó là hàng tiểu thừa.

Trong cái nhìn của người đại thừa, sự tu hành chứng quả ấy rất vụng về, nên gọi là Bổn A La Hán, A La Hán ngốc nghếch, vì sao?

Phải tốn thời gian dài như thế. Vì vậy, trong tu học Phật Pháp, đại thừa là đường tắt, đại thừa dễ dàng hơn tiểu thừa, mà cũng nhanh chóng hơn tiểu thừa. Tiểu thừa Phật Pháp được truyền đến Trung Quốc vào thời Tùy Đường, Kinh Điển khá hoàn chỉnh, gần ba ngàn bộ, nhưng rất ít người học.

Tại Trung Quốc, tiểu thừa chỉ thịnh hành trong một thời kỳ rất ngắn, sau đấy, người Trung Quốc không học nữa, hoàn toàn tu học đại thừa.

Nhưng quý vị phải hiểu đại thừa Phật Pháp nhất định phải kiến lập trên cơ sở tiểu thừa. Không có cơ sở tiểu thừa, muốn học đại thừa sẽ rất khó khăn.

Ngày nay, người học đại thừa rất nhiều, người thành tựu chẳng có mấy, nguyên nhân ở chỗ nào?

Thiếu cơ sở. Giống như cất nhà không xây móng. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Vì sao trong quá khứ người Hoa không học tiểu thừa, mà có thể học đại thừa thành công?

Họ có cơ sở Nho Gia và Đạo Gia.

Quý vị phải nhớ: Đạo Gia không phải là Đạo Giáo, Đạo Giáo vô ích. Nếu dùng cơ sở của Nho Gia và Đạo Gia thì nói thật ra, cơ sở còn được đặt vững vàng, kiên cố, ổn thỏa hơn tiểu thừa. Do vì xưa kia, người ta đọc sách của Khổng Tử, đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh, dùng cơ sở ấy để trực tiếp học đại thừa, chẳng bị chướng ngại, mà ngược lại còn thành tựu dễ dàng.

Hiện thời rắc rối lắm, Kinh Điển tiểu thừa không đọc, Tứ Thư Ngũ Kinh cũng vứt bỏ, trực tiếp muốn dốc sức nơi Kinh Điển đại thừa, đương nhiên bị nhiều chướng ngại, đổ công sức rất nhiều, tốn thời gian lâu dài, đâm ra chẳng đạt được hiệu quả.

Vì thế, các đồng tu học Phật ngày nay phải đọc Tứ Thư cho nhiều. Chúng ta vừa học đại thừa, vừa dùng Nho Gia và Đạo Gia để bù đắp, chắc chắn có lợi, có thể giúp nhau thành tựu.

***