Ñaït Nieäm Phaät Tam Muoäi
thì vieäc Vaõng Sanh ñaõ chaéc chaén

niemphat.edu.vn

LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA - PHẨM BA - PHẨM TƯỚNG ĐỊA

LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA

Giảng giải: Bồ Tát Long Thọ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM BA

PHẨM TƯỚNG ĐỊA
 

Hỏi: Đã đạt được địa thứ nhất, Bồ Tát có tướng mạo như thế nào?

Đáp:

Bồ Tát địa thứ nhất

Nhiều khả năng kham nhận

Không còn ưa tranh tụng

Tâm được nhiều vui thích.

Luôn vui với thanh tịnh

Tâm bi thương chúng sinh

Không có tâm giận dữ

Hành nhiều nơi bảy sự.

Bồ Tát nếu đạt được địa thứ nhất tức có bảy tướng này:

Có khả năng kham nhận: Là có thể hành những việc khó làm, tu tập vô lượng căn thiện phước đức, qua lại vô lượng kiếp trong sinh tử nhiều như cát Sông Hằng, vẫn luôn giáo hóa những chúng sinh xấu ác khó hóa độ, tâm Bồ Tát không hề thoái chuyển. Có thể kham nhận những công việc như vậy nên gọi là có khả năng nhận lãnh.

Không ưa tranh tụng: Là tuy mình có thể thành tựu việc lớn nhưng vẫn không ưa tranh đua với ai, hoặc cùng trái nhau.

Hỷ Vui: Là có thể khiến thân được nhẹ nhàng, tâm được an ổn.

Duyệt Thích: Là trong khi chuyển chánh pháp vô thượng, Bồ Tát thấy tâm vô cùng thích thú.

Thanh tịnh: Là lìa khỏi các phiền não cấu uế.

Có người nói: Tin hiểu là thanh tịnh.

Có người nói: Tâm tin kiên cố là lòng thanh tịnh.

Tâm thanh tịnh này đối với Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, đối với bốn đế khổ, tập, diệt, đạo, đối với sáu pháp Ba la mật, đối với Bồ Tát mười địa, đối với pháp môn không, vô tướng, vô tác v.v…, nói tóm lược là hết thảy kinh sâu xa nơi tất cả việc làm của Bồ Tát, đối với hết thảy pháp của Chư Phật đều luôn có tâm tin thanh tịnh.

Bi: Là xót thương, cứu giúp chúng sinh. Tâm bi này dần dần lớn lên thành đại bi.

Có người nói: Tại tâm của Bồ Tát gọi là bi. Bi đến khắp với chúng sinh gọi là đại bi. Tâm đại bi phát sinh do mười nhân duyên, như trong địa thứ ba đã nói rộng.

Không giận dữ: Là do kiết sử chưa đoạn trừ hết, nên Bồ Tát hành tâm thiện để giảm thiểu sân hận. Như vậy Bồ Tát ở địa thứ nhất, tâm không lo sợ, không ẩn giấu, nên gọi là có khả năng kham nhận. Do vui thích sự vắng lặng nên không còn ưa tranh tụng. Do tùy thuận nơi đạo chánh đẳng, chánh giác, vô thượng, nên gọi là tâm nhiều hoan hỷ.

Do lìa khỏi phiền não cấu nhiễm nên Bồ Tát có được tâm luôn thanh tịnh đối với Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Do tâm an ổn, không còn lo ngại, nên gọi là tâm vui vẻ. Thương xót sâu xa đối với các chúng sinh nên gọi là bi. Tâm thường vui thích hành từ gọi là không sân giận. Đó gọi là tướng mạo của Bồ Tát ở địa thứ nhất.

Hỏi: Vì sao không nói Bồ Tát ở địa thứ nhất có bảy sự việc trên đây, mà lại nói là nhiều?

Đáp: Do Bồ Tát ở địa thứ nhất chưa dứt hết lậu, có lúc còn biếng trễ đối với bảy hành này, có lúc còn thoái lui. Do Bồ Tát có nhiều hành, nên nói là nhiều. Ở trong địa thứ nhất, Bồ Tát đã chứng được pháp ấy, nên nơi các địa sau càng chuyển thêm lợi ích.

Hỏi: địa thứ nhất là Hoan hỷ, tức Bồ Tát ở trong địa này gọi là nhiều hoan hỷ, vì được các công đức nên là Địa Hoan hỷ, hoan hỷ hợp với pháp hay do đâu mà hoan hỷ?

Đáp:

Nhớ nghĩ đến Chư Phật

Cùng pháp lớn Chư Phật

Tất định, hành hy hữu

Thế nên nhiều hoan hỷ.

Vì những nhân duyên hoan hỷ như thế, nên Bồ Tát ở trong địa thứ nhất này tâm được nhiều hoan hỷ.

Nhớ nghĩ đến Chư Phật: Nghĩa là nhớ đến Chư Phật quá khứ như Phật Nhiên Đăng v.v… Chư Phật nơi hiện tại như Phật A Di Đà v.v… và Chư Phật nơi đương lai như Phật Di Lặc v.v… luôn nhớ nghĩ đến Chư Phật, Thế Tôn như thế, tưởng như chư vị hiện ra trước mặt mình. Chư Phật, Thế Tôn là bậc nhất trong ba cõi, không có ai hơn. Thế nên Bồ Tát có nhiều hoan hỷ.

Nhớ pháp lớn Chư Phật:

Nghĩa là nói gọn thì Chư Phật có bốn mươi pháp bất cộng:

Tự tại, phi hành tùy ý.

Tự tại, biến hóa vô biên.

Tự tại nói pháp không trở ngại.

Tự tại dùng vô lượng pháp môn nhận biết tâm của hết thảy chúng sinh v.v… những pháp như thế sau sẽ nói rộng.

Các Bồ Tát đối với niệm tất định: Nghĩa là nếu Bồ Tát được thọ ký chứng đắc quả chánh đẳng, chánh giác, vô thượng thì Bồ Tát đã đi vào phần vị pháp, được pháp nhẫn vô sinh. Ngàn vạn ức quân ma không thể loạn động phá hoại được. Đạt được tâm đại bi là thành tựu pháp của bậc Đại nhân không còn tiếc thân mạng, được bồ đề nên càng siêng năng tinh tấn. Đó là niệm tất định của Bồ Tát.

Nhớ nghĩ hành hy hữu: Nghĩa là niệm tất định của Bồ Tát là hành hy hữu bậc nhất, khiến tâm hoan hỷ. Tất cả hàng phàm phu đều không bì kịp. Hết thảy hàng Thanh văn, Phật Bích chi đều không thể hành trì được như vậy.

Tức đã mở bày chỉ rõ pháp Phật là giải thoát không ngăn ngại và nhất thiết chủng trí. Lại nữa, nhớ nghĩ đến những pháp cần hành trì nơi mười địa cũng khiến tâm có nhiều hoan hỷ, nên nói Bồ Tát được nhập địa thứ nhất gọi là Hoan hỷ.

Hỏi: Nếu có phàm phu chưa phát tâm hướng về đạo vô thượng, hoặc đã phát tâm, nhưng chưa vào Địa Hoan hỷ, nhưng người ấy luôn nhớ nghĩ về Chư Phật, về pháp lớn của Chư Phật, về niệm tất định của Bồ Tát và về hành hy hữu, người ấy cũng được hoan hỷ.

Vậy thì hoan hỷ của Bồ Tát đạt được địa thứ nhất so với người này có gì khác nhau?

Đáp:

Bồ Tát đắc Sơ địa

Tâm được nhiều hoan hỷ

Vô lượng đức Chư Phật

Ta cũng định sẽ được.

Đắc địa thứ nhất, Bồ Tát tất định nhớ đến Chư Phật có vô lượng công đức, mình chắc chắn cũng sẽ được như thế.

Vì sao?

Vì ta đã vào địa thứ nhất này, tức đã vào trong nẻo tất định. Những người khác không có tâm này. Cho nên, Bồ Tát ở địa thứ nhất sinh nhiều hoan hỷ, những người khác thì không như thế.

Vì sao?

Vì kẻ khác dù có nhớ nghĩ đến Chư Phật, nhưng không sinh khởi ý niệm: Ta chắc chắn sẽ thành Phật. Ví như con của Chuyển luân thánh vương, sinh trong nhà Chuyển luân thánh vương nên thành tựu tướng Chuyển luân thánh vương.

Nhớ nghĩ đến Chuyển luân thánh vương quá khứ với công đức tôn quý nên phát sinh ý niệm: Ta nay cũng có những tướng như thế, cũng sẽ được giàu sang tôn quý, nên tâm hết sức vui mừng. Nếu không có tướng Chuyển luân thánh vương, thì không có sự vui mừng ấy.

Nếu Bồ Tát tất định nhớ nghĩ đến Chư Phật, nhớ nghĩ đến công đức lớn lao, những oai nghi đáng tôn quý của Chư Phật, rồi nói: Ta có những tướng ấy, tất sẽ thành Phật, tức hoan hỷ lớn. Những người khác thì không có sự việc ấy. Tâm định là vào sâu nơi pháp của Phật, tâm không còn bị lay động.

Lại nữa, ở địa thứ nhất, khi Bồ Tát nhớ nghĩ đến Chư Phật, khởi lên ý nghĩ: Không bao lâu nữa, ta cũng sẽ tạo lợi ích cho thế gian.

Khi Bồ Tát nhớ nghĩ đến pháp của Phật thì tư duy: Ta cũng sẽ được thân tướng hảo và thành tựu pháp bất cộng như Chư Phật. Ta sẽ giảng nói pháp cho các chúng sinh tùy căn thiện đã gieo trồng theo tâm lực lớn nhỏ của họ. Hơn nữa, ta đã có được hương vị của pháp thiện, không bao lâu cũng như Bồ Tát tất định, du hành trong thần thông.

Lại nữa, nhớ nghĩ đến đạo của Bồ Tát tất định đã tu tập, dù cả thế gian không thể tin, ta cũng sẽ hành hóa như thế. Nghĩ đến những điều ấy tức tâm được nhiều hoan hỷ. Những người khác thì không được như vậy.

Vì sao?

Vì Bồ Tát này khi đã nhập nơi địa thứ nhất, tâm quyết định và nguyện không dời động, chỉ mong cầu điều cần cầu, ví như Hương Tượng hành tác thì chỉ có Hương Tượng mới làm được, những loài thú khác không thể làm nổi.

Thế nên những gì ông đã nói là không đúng. Lại nữa, Bồ Tát chứng đắc địa thứ nhất, tâm không còn lo sợ nên tâm nhiều hoan hỷ. Nếu còn lo sợ thì tâm không thể hoan hỷ.

Hỏi: Bồ Tát không sợ những gì?

Đáp:

Sợ không thể sống nổi

Sợ chết, sợ đường ác

Sợ oai đức đại chúng

Sợ tiếng xấu, bị chê

Sợ trói giam, gông cùm

Sợ tra khảo, nhục hình

Vô ngã và ngã sở

Đâu còn những sợ ấy!

Hỏi: Do đâu Bồ Tát trụ nơi địa thứ nhất không còn sợ không sống nổi?

Đáp: Do Bồ Tát có đại oai đức, do Bồ Tát có khả năng chịu đựng, do Bồ Tát có trí tuệ lớn, do biết dừng khi vừa đủ và Bồ Tát luôn nghĩ như vậy: Ta đã tu tập nhiều phước đức, người có phước thì những y phục, thức ăn uống và những vật cần dùng, chúng sẽ đến một cách tự nhiên.

Như thuở xưa, nơi kiếp đầu tiên, ai là bậc Đại nhân thì được quần thần, sĩ, dân tôn lên làm Vua. Còn những ai phước đức mỏng, dù được sinh vào nhà v ua, cũng vẫn phải tự nuôi sống bằng sức mình, áo cơm hãy còn không đầy đủ huống nữa là chuyện đất nước.

Bồ Tát lại nghĩ như vậy: Ta vốn tu tập nhiều phước đức, như nơi kiếp đầu tiên, Vua tự nhiên lên ngôi, ta cũng như vậy, ta cũng sẽ đạt được sự việc như thế, không nên lo sợ không sống nổi.

Lại nữa, người tuy phước mỏng, nhưng có sức chịu đựng, siêng hành phương tiện thì vẫn tạo được sự sống.

Như Kinh nói: Nhờ có ba nhân duyên mà được tiền của:

Trong đời này, tự tạo phương tiện.

Nhờ người khác giúp thêm sức.

Nhân duyên do phước đức. Ta có khả năng kham nhận những việc khó thành tựu. Hiện đời cũng có nhiều lực phương tiện, không nên có ý lo sợ mình không sống nổi. Người có trí tuệ dù ít phương tiện vẫn có thể tự sống, có thể cầu Phật đạo. Nay ta có được phần trí tuệ ấy, tức người có trí tuệ lợi căn vẫn tự sinh sống, không nên lo sợ không sống nổi.

Lại nữa, Bồ Tát nghĩ như vậy:

Ta sống nơi thế gian, vốn không bao giờ hết tám sự việc: Lợi, hại, trách, mừng, khen, chê, khổ, vui v.v… do vậy không nên vì không gặp phải mà lo sợ không sống nổi.

Lại nữa, vì biết đủ nên Bồ Tát tùy theo những gì mình có được dù tốt xấu ngon dở vẫn an vui, không nên lo sợ không sống nổi. Những người không biết đủ thì dù được của cải đầy khắp thế gian vẫn không bằng lòng.

Như nói:

Như có người cùng khổ

Chỉ cầu nơi áo cơm

Áo cơm đã có đủ

Lại muốn tốt đẹp hơn.

Đã được tốt đẹp rồi

Lại mong được tôn quý

Đã đạt được tôn quý

Cầu làm Vua khắp chốn.

Được làm Vua đủ nơi

Lại cầu làm Thiên Vương

Người thế gian tham muốn.

Của cải sao cho đầy?

Nếu người biết đủ, dù được ít của cải, nhưng đời này, đời sau vẫn có thể thành tựu được những lợi ích cho họ. Ở Địa này, Bồ Tát vui thích bố thí, có đầy đủ trí tuệ, nên hầu hết đều có thể phát sinh căn thiện không tham. Nếu không ưa thích bố thí lại tạo nhiều điều ác, do nhân duyên của tham lam, keo kiệt, ngu si, thì căn bất thiện tham lam keo kiệt càng tăng.

Cách sống không biết đủ là thuộc về tham lam, keo kiệt. Thế nên, Bồ Tát hầu hết đều phát tâm nuôi lớn căn thiện không tham, do vậy mà biết đủ, vì biết đủ nên không lo là không sống nổi.

Không sợ chết: Là do biết tạo nhiều phước đức, luôn biết nhớ nghĩ về sự chết, biết chắc không tránh khỏi, biết sự chết đã có từ vô thỉ qua các cõi, ai cũng phải thọ nhận.

Do tu tập nhiều về pháp không, nên Bồ Tát nghĩ như vậy: Nếu người không tu phước đức thì sợ chết, tự lo sợ kiếp sau bị đọa vào đường ác, còn ta thì tích tập nhiều các thứ phước đức, nên khi chết liền sinh vào xứ thù thắng, do vậy không nên sợ chết.

Như nói:

Đợi chết như yêu khách

Đi như đến hội lớn

Do tạo nhiều phước đức

Khi bỏ mạng không sợ.

Bồ Tát lại còn nghĩ: Sự chết tùy theo nơi thân được thọ nhận, tâm sau cùng diệt là chết. Nếu tâm diệt là chết, thì tâm niệm niệm diệt nên đều phải là chết. Nếu sợ chết, thì tâm từng niệm từng niệm diệt đều nên có sẽ không phải chỉ sợ nơi tâm diệt sau cùng, mà cũng phải sợ phần trước lúc tâm ấy diệt hẳn.

Vì sao?

Vì tâm diệt thì trước sau không khác nhau. Nếu cho là sợ đọa vào đường ác nên sợ tâm diệt sau cùng, thì người tạo phước đức sẽ không sợ bị đọa vào đường ác, như đã nói ở trước. Ta sẽ nhận niệm niệm diệt nên đối với tâm diệt sau cùng, không nên có sự sợ hãi về chết.

Lại nữa, Bồ Tát suy nghĩ: Từ vô thỉ nơi các Thế giới, ta đã qua lại trong sinh tử, thọ nhận vô lượng vô biên A tăng kỳ các pháp chết, không nơi chốn nào thoát khỏi sự chết.

Đức Phật nói: Sống chết không có khởi đầu. Nếu con người ở trong một kiếp, đã chết rồi, xương được giữ lại sẽ chất cao hơn núi Tuyết.

Những người chết như thế, không có gì lợi mình cũng không làm lợi cho ai. Nay ta phát nguyện cầu đạt đạo vô thượng, là muốn lợi mình và cũng vì lợi người, chuyên một lòng hành đạo để có lợi lớn thì đâu còn sợ hãi sự chết. Nghĩ như thế là Bồ Tát đã lìa bỏ ý niệm sợ chết.

Lại nữa, Bồ Tát suy nghĩ như vậy: Pháp sinh tử tất phải thọ nhận không ai tránh khỏi.

Vì sao?

Ở thời kiếp sơ, các đại vương như Vua Đảnh Sinh, Hỷ Kiến, Chiếu Minh v.v… có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, trang nghiêm nơi thân, bảy báu luôn Tháp tùng, được cả hàng trời, người kính mến, làm Vua bốn thiên hạ, luôn thực hành mười đạo thiện. Nhưng hết thảy các Đại Vương ấy vẫn quy về nẻo chết.

Lại có các tiểu Chuyển Luân Vương Xà Đề La, tự đem oai lực cai trị xứ Diêm Phù Đề, thân sắc đoan nghiêm, cũng như hàng người trời, hưởng đủ các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, các nơi chốn đều quy phục, không ai chống đối. Vua này giỏi nghề bắn cung. Nhưng từ những bậc Vua chúa cho đến hạng vương bá trong đời, cho đến người dân và hết thảy quyến thuộc, không ai thoát khỏi sự chết.

Lại nữa, các bậc Tiên Thánh như Ca Diếp, Kiều Cù Ma v.v…, hành các khổ hạnh, đạt được năm thần thông, tạo nhiều Kinh Sách, nhưng cũng đều không thoát khỏi cái chết.

Lại nữa, Chư Phật, Phật Bích chi, A La Hán, tâm được tự tại, hết cấu uế, đắc đạo, cũng đều bị pháp sinh tử hủy diệt. Hết thảy chúng sinh, không một ai vượt khỏi sự chết. Nay, ta phát tâm cầu đạt đạo vô thượng thì không nên sợ chết. Hơn nữa, để phá bỏ ý tưởng sợ chết, phải phát tâm tinh tấn, tự mình trừ bỏ ý tưởng ấy cùng xua trừ cho người khác.

Thế nên phát tâm hành đạo thì sao còn sợ hãi về sống chết?

Bồ Tát luôn suy nghĩ như thế, về vô thường tức trừ bỏ sợ chết.

Lại nữa, Bồ Tát luôn tu tập pháp không thì không nên sợ chết.

Như nói:

Người lìa chết, không chết

Người không chết, lìa chết

Nhân chết, có người chết

Nhân người chết, có chết.

Chết thành, thành kẻ chết

Chết trước lúc chưa thành

Không có tướng quyết định

Không chết, không kẻ chết.

Lìa chết, có kẻ chết

Chết là nên tự thành

Nhưng thật lìa nơi chết

Không có người chết thành.

Mà thế gian phân biệt

Là chết, là người chết

Không biết chết đi, đến

Thế nên không tránh khỏi.

Do những nhân duyên này

Quán nơi tướng các pháp

Tâm không có gì khác

Cuối cùng không sợ chết.

Không sợ bị đọa vào đường ác: Là do Bồ Tát thường tu phước đức nên không sợ rơi vào đường ác.

Bồ Tát suy nghĩ: Người tạo tội thì bị đọa vào đường ác, không phải là người tạo phước đức. Còn ta dù trong một niệm, cũng không khiến điều ác xâm nhập, nơi thân, miệng, ý luôn khởi nghiệp thanh tịnh.

Cho nên nói: Ta thành tựu được vô lượng vô biên công đức, vì thành tựu được nhóm công đức lớn như vậy, thì sao lại sợ bị đọa vào đường dữ?

Lại nữa, Bồ Tát mỗi lần phát tâm như vậy là đem lại lợi ích an lạc cho hết thảy chúng sinh, là đem tâm đại từ bi che chở, nên Bồ Tát trụ nơi xứ bốn công đức, có được vô lượng công đức, vượt qua các đường ác.

Vì sao?

Vì tâm này là hơn hẳn hết thảy hàng Thanh văn, Phật Bích chi.

Như trong Kinh Tịnh Tỳ Ni nói:

Tôn Giả Ca Diếp thưa với Phật: Thật là hy hữu, thưa Đức Thế Tôn! Ngài khéo giảng nói Bồ Tát do tâm nhất thiết trí này nên có thể vượt hơn hết thảy hàng Thanh văn, Phật Bích chi. Ta đã thành tựu công đức lớn như thế, an trụ trong pháp lớn như thế, đâu còn sợ bị rơi vào đường ác.

Bồ Tát lại suy nghĩ như vậy: Từ vô thỉ đến nay, ta từng qua lại trong sinh tử nơi đường ác, thọ nhận vô lượng khổ não, không có ích gì cho mình, cho người. Nay ta phát đại nguyện đối với đạo vô thượng, là vì muốn lợi mình, lợi người. Từ trước đến giờ, bị đọa vào đường ác không tạo được lợi ích gì, nay vì tạo lợi ích cho chúng sinh, nên giả như bị rơi vào đường ác, ta cũng không sợ.

Lại nữa, Bồ Tát hành trì chân thật phát tâm như vậy: Giả sử khiến ta phải vào ngục A tỳ chịu khổ não trong một kiếp, sau đó mới được ra khỏi, để có thể khiến một người sinh một tâm thiện. Tích tập vô lượng tâm thiện như thế, cũng gắng nhận công việc giáo hóa, khiến họ đều phát tâm đối với ba Thừa. Chúng sinh theo thừa Thanh văn nhiều như cát sông Hằng, ta cũng giáo hóa.

Chúng sinh theo thừa Phật Bích chi nhiều như cát Sông Hằng. Chúng sinh phát tâm đại thừa nhiều như cát Sông Hằng, ta cũng đều giáo hóa như thế, sau đó mới đạt quả chánh đẳng, chánh giác, vô thượng, tâm hãy còn không thoái chuyển, huống chi là nay ta đã tu tập vô lượng vô biên công đức, đã xa lìa đường ác. Suy nghĩ như thế, nên Bồ Tát không còn lo sợ nơi đường ác.

Lại nữa, như trong Kinh Địa Ngục Khiếu Hoán nói:

Bồ Tát trả lời với ma:

Ta do hành bố thí

Trong ngục Khiếu hoán này

Những ai được ta thí

Đều sinh nơi Cõi Trời.

Như thế, tất phải nên

Luôn hành trì bố thí

Ta thọ khổ Khiếu Hoán

Chúng sinh tại Cõi Trời.

Do những nhân duyên như thế, nên Bồ Tát có thể ngăn chận sự sợ hãi bị đọa vào đường ác.

Không sợ oai đức của đại chúng: Là do Bồ Tát đã thành tựu văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ, do xa lìa các thứ sai lầm của tranh luận, nên Bồ Tát kiến lập được các thứ ngôn thuyết đúng đắn, những lời nói ra đều không lỗi lầm, Bồ Tát có thể đem thí dụ, nhân duyên, kết chúng vào những câu không nhiều không ít, không có nghi hoặc.

Bồ Tát không nói lời vô nghĩa, lời dua nịnh, ngôn từ luôn chắc thật, ngay thẳng, hòa nhã, đâu đấy đều nghiêm trang, khiến người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, nghĩa lý sâu xa đều theo thứ lớp.

Có khả năng làm sáng tỏ luận thuyết của mình, mới có thể phá luận thuyết của người khác. Lìa bỏ bốn nhân không đúng, giữ đủ bốn nhân lớn. Ngôn từ nghiêm trang như thế, nên dù ở giữa đại chúng, Bồ Tát không hề lo sợ.

Không sợ bị mang tiếng, không sợ bị trách mắng: Là vì không tham lợi dưỡng, vì thân, miệng, ý luôn hành thanh tịnh.

Không sợ bị trói giam, gông cùm, tra khảo: Là do Bồ Tát không phạm tội gì. Luôn hành từ bi đối với hết thảy chúng sinh, thọ nhận các thứ khổ não, căn cứ vào nghiệp nhân và quả báo, nếu trước mình tạo nhân gì, thì nay phải nhận quả ấy. Do những nhân duyên như thế, nên Bồ Tát không có các thứ lo sợ như lo sợ không thể sống nổi v.v…

Lại nữa, do ưa thích quan sát các pháp đều vô ngã, nên Bồ Tát không có bất cứ lo sợ nào. Vì tất cả sợ hãi đều từ ngã kiến sinh ra. Ngã kiến là cội gốc của hết thảy các khổ như sầu bi, suy tàn. Bồ Tát ở Địa này, trí tuệ nhanh nhẹn, nên hội nhập nơi tướng thật của các pháp, biết rõ là vô ngã.

Đã vô ngã thì sợ hãi từ đâu sinh khởi?

Hỏi: Vì sao Bồ Tát ở Địa này không có tâm chấp ngã?

Đáp: Do Bồ Tát vui với pháp không, do Bồ Tát quán xét thân mình, lìa ngã và ngã sở.

Như nói:

Tâm ngã, nhân ngã sở

Ngã sở nhân ngã sinh

Thế nên ngã, ngã sở

Cả hai tánh đều không.

Ngã tức nghĩa là chủ

Ngã sở, vật của chủ

Nếu không có ông chủ

Vật của chủ cũng không.

Nếu vật không thuộc chủ

Tức cũng không có chủ

Ngã tức là ngã kiến

Ngã vật, ngã sở kiến.

Quán thật nên không ngã

Ngã không, không vô ngã

Nhân thọ, sinh người thọ

Không thọ, không người thọ.

Lìa người thọ, không thọ

Làm sao nhân thọ thành?

Nếu người thọ thành thọ

Thọ tức là không thành.

Do thọ đã không thành

Không thể thành người thọ

Do người thọ đã không

Không thể nói là ngã.

Do thọ đã là không

Không thể nói ngã sở

Vậy nên ngã, phi ngã

Cũng ngã, cũng phi ngã.

Phi ngã, phi vô ngã

Ấy đều là luận tà

Ngã sở, phi ngã sở

Cũng ngã, phi ngã sở.

Phi ngã, phi ngã sở

Ấy cũng là luận tà.

Do luôn vui thích tu tập pháp không, vô ngã như thế, nên Bồ Tát lìa khỏi những sự sợ hãi.

Vì sao?

Vì pháp không, vô ngã có khả năng lìa khỏi các thứ sợ hãi. Vì thế Bồ Tát ở Địa Hoan hỷ này đều có tướng mạo như thế.

***