Ñaït Nieäm Phaät Tam Muoäi
thì vieäc Vaõng Sanh ñaõ chaéc chaén

niemphat.edu.vn

LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA - PHẨM SÁU - PHẨM PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

LUẬN THẬP TRỤ TỲ BÀ SA

Giảng giải: Bồ Tát Long Thọ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM SÁU

PHẨM PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
 

Hỏi: Mới phát tâm là căn bản của các nguyện.

Thế nào là mới phát tâm?

Đáp:

Mới phát tâm bồ đề

Hoặc ba bốn nhân duyên.

Chúng sinh mới phát tâm bồ đề hoặc dùng ba nhân duyên, hoặc dùng bốn nhân duyên, hợp thành bảy nhân duyên để phát tâm bồ đề cầu đạt đạo quả chánh đẳng, chánh giác, vô thượng.

Hỏi: Những gì là bảy nhân duyên?

Đáp:

Một là chư Như Lai

Khiến phát tâm bồ đề

Hai: Thấy pháp sắp hoại

Giữ gìn nên phát tâm.

Ba: Ở trong chúng sinh

Đại bi nên phát tâm

Bốn: Hoặc có Bồ Tát

Dạy phát tâm bồ đề.

Năm: Thấy hạnh Bồ Tát

Theo đó nên phát tâm

Hoặc do bố thí rồi

Mà phát tâm bồ đề.

Hoặc thấy thân tướng Phật

Vui mừng mà phát tâm

Do bảy nhân duyên này

Nên phát tâm bồ đề.

Phật khiến phát tâm là Ngài dùng mắt Phật quán xét các chúng sinh, nhận biết căn thiện của họ đã thuần thục, có thể kham nhận việc tu tập đạt được quả vị bồ đề vô thượng.

Đối với người như thế, Phật dạy khiến họ phát tâm, nói lời như vậy: Này thiện nam! Nay nên phát tâm bồ đề, sẽ độ chúng sinh khổ não!

Hoặc lại có người sống trong đời xấu ác này, thấy chánh pháp sắp bị hủy hoại, muốn ra sức giữ gìn, nên phát tâm, nghĩ như vậy: Ôi! Từ vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp đến nay, chỉ có một người hành hai xứ, ra khỏi ba cõi, bốn Thánh đế làm Đại Đạo Sư, nhận biết năm thứ Pháp Tạng, giải thoát nơi sáu đường, có bảy thứ chánh pháp là báu lớn, thực hành sâu xa tám giải thoát.

Đem chín Bộ Kinh Giáo hóa chúng sinh, có mười đại lực, nói mười một thứ công đức, khéo chuyển mười hai nhân duyên nối tiếp, giảng nói mười ba pháp trợ Thánh đạo, có mười bốn giác ý rất quý, trừ được mười lăm thứ tham dục, chứng được mười sáu tâm giải thoát vô ngại, vượt khỏi mười sáu địa ngục chúng sinh, thân được mười bảy thứ đầy đủ.

Mười tám pháp bất cộng, khéo phân biệt mười chín người trụ quả, khéo nhận biết và phân biệt hàng hữu học, A La Hán, Phật Bích Chi và Chư Phật, là hai mươi căn. Tâm đại bi ấy là chủ của đại tướng, chủ của đại chúng, là Đại Y Vương, là Đại Đạo Sư, đại thuyền sư, tu trì từ lâu lắm mới chứng được pháp này.

Hành khổ hạnh, làm những việc khó làm mới được pháp này, nhưng nay Pháp Bảo ấy sắp bị hoại. Tôi phát tâm bồ đề vô thượng, trồng căn thiện sâu dày để thành tựu được Phật đạo, khiến cho chánh pháp trụ lâu đến vô số A tăng kỳ kiếp. Lại nữa, khi hành đạo Bồ Tát, tức là hộ trì vô lượng pháp Chư Phật, nên phải siêng hành, tinh tấn.

Hoặc lại có người thấy chúng sinh khổ não, đáng thương, không ai cứu giúp, không biết quay về đâu, không nơi chốn nương dựa, phải trôi lăn trong sinh tử hiểm nạn nơi các đường dữ, có giặc oán dữ, sống chết với các thứ trùng ác, thú ác, luôn bị quỷ dữ khủng bố, luôn buồn sầu, thống khổ như gai đâm vào thân.

Ân ái phải lìa, oán ghét lại gặp nhau, khó kiếm được giọt nước vui mừng, một mình đi trong cõi hoang vắng, giá rét, nóng bức, không hề có một bóng mát, khó có thể vượt qua. Chúng sinh sống trong đó mang nhiều lo sợ, không ai cứu độ che chở, dẫn dắt.

Thấy chúng sinh như thế, thấy họ cứ mãi đi vào nẻo hiểm nạn sinh tử, chịu biết bao khổ não, do tâm đại bi nên phát tâm bồ đề vô thượng, thệ nguyện: Tôi sẽ cứu vớt người không ai cứu vớt, làm chốn quay về cho người không chốn quay về, làm nơi nương dựa cho người không nơi nương dựa. Tôi được độ rồi sẽ độ cho chúng sinh. Tôi được giải thoát rồi sẽ giải thoát cho chúng sinh. Tôi được an ổn rồi sẽ đem lại an ổn cho chúng sinh.

Lại có người chỉ từ nơi người khác nghe pháp rồi sinh tâm tin, vui mà phát tâm bồ đề vô thượng, suy nghĩ như vậy: Tôi sẽ tu pháp thiện, không để đứt mất. Hoặc có người thuộc loại tất định, chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, tích tập căn thiện phước đức thuần thục.

Hoặc gặp được Chư Phật, gặp được Đại Bồ Tát, chư vị có thể nhận biết các căn lợi độn của tất cả chúng sinh, ngọn nguồn nơi thâm tâm cũng như tính tình và ước muốn khác nhau, khéo dùng phương tiện là bát nhã Ba la mật để giúp đỡ khiến họ có thể làm Phật Sự.

Biết mình đã phát nguyện, căn thiện thành thục nên khiến trụ trong tất định, hoặc pháp nhẫn vô sinh. Đó là các Bồ Tát đang tu tập ở địa thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười. Do khéo nhận biết tâm lực của chúng sinh, nên Phật chỉ dạy khiến họ phát tâm. Không phải chỉ có phát tâm với sức mạnh của sự tin, vui, Phật còn dạy phát tâm do nhiều nguyên nhân khác.

Lại có người thấy các Bồ Tát khác hành đạo, tu tập các căn thiện, tâm đại bi hộ trì, đầy đủ phương tiện giáo hóa chúng sinh, không tiếc thân mạng, tạo nhiều lợi ích, dốc sức học rộng hiểu nhiều, trở thành người đặc biệt thù thắng trong thế gian, làm bóng mát che chở cho chúng sinh khổ nhọc.

Đưa họ an trụ trong các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, giúp họ biết hổ thẹn, ngay thẳng, dịu dàng, vui hòa. Tâm Bồ Tát ấy thanh tịnh, vui sâu trong pháp thiện.

Thấy Bồ Tát hành như thế, người này nghĩ: Vị ấy làm được như vậy, ta cũng làm như vậy, những hạnh nguyện nào vị ấy đã tu tập, ta cũng tu tập như thế. Vì nhằm đạt được pháp ấy nên phải phát nguyện. Nghĩ như thế rồi, người ấy phát tâm bồ đề cầu đạo vô thượng.

Lại có người hành bố thí rộng khắp, bố thí cho Phật, Tăng. Hoặc chỉ bố thí cho Phật những thức ăn uống, y phục v.v… nhân làm việc bố thí, người này nhớ nghĩ đến các Bồ Tát tu hạnh bố thí trong quá khứ, như Vĩ Lam Ma, Vĩ Thủ Đa La, Tát Bà Đàn, Thi Tỳ Vương v.v… do vậy nên người này phát tâm bồ đề, nguyện đem phước bố thí này hồi hướng cho quả vị bồ đề vô thượng.

Lại có người, trông thấy, hoặc nghe nói đến ba mươi hai tướng tốt của Phật, như: Bàn chân bằng phẳng. Chỉ dưới bàn chân có xoáy tròn như hình bánh xe có ngàn nan hoa. Ngón tay thon dài. Chân tay đều mềm dịu. Trong kẽ tay kẽ chân có màng da mỏng như giăng lưới. Gót chân tròn đầy. Mu bàn chân nổi cao đầy đặn.

Bắp chân như tướng Lộc vương. Cánh tay dài quá đầu gối. Nam căn ẩn kín. Thân hình cao lớn cân đối. Những lỗ chân lông toát ra màu xanh. Những lông trên mình uốn lên về bên phải. Thân thể sáng chói như vàng ròng.

Quanh mình luôn có hào quang chiếu ra một trượng. Da mỏng và mịn. Lòng bàn chân bàn tay, hai vai và trên đỉnh đầu, bảy chỗ ấy đều đầy đặn. Hai nách đầy đặn. Thân như sư tử. Thân thể ngay ngắn vuông vức. Hai vai tròn trịa cân phân. Có bốn mươi cái răng. Răng trắng trong đều nhau và khít khao. Bốn răng cửa trắng trong và lớn. Hai bên má cao đầy đặn như sư tử.

Nước bọt trong miệng thơm. Lưỡi rộng và dài. Giọng nói âm vang như Phạm Vương. Mắt xanh biếc. Lông mi như Ngưu vương. Có chòm lông trắng thường chiếu sáng ở giữa hai lông mày. Trên đỉnh đầu có cục thịt nổi cao như hình búi tóc.

Trông thấy hoặc nghe nói về ba mươi hai tướng như thế, tâm tức hoan hỷ, khởi niệm: Ta cũng sẽ có được các tướng như thế. Người có tướng như thế đạt được các pháp. Ta cũng sẽ đạt được. Liền phát tâm bồ đề cầu đạo quả chánh đẳng, chánh giác, vô thượng.

Do bảy nhân duyên này nên phát tâm bồ đề.

Hỏi: Ông nói bảy nguyên nhân phát tâm của Bồ Tát, là đều thành tựu, hay có người thành tựu, có người không thành tựu?

Đáp: Không phải thành tựu hết. Hoặc có người thành tựu, hoặc có người không thành tựu.

Hỏi: Nếu như vậy xin giải thích thêm?

Đáp:

Trong bảy phát tâm trên:

Phật dạy khiến phát tâm

Phát tâm hộ chánh pháp

Thương xót nên phát tâm

Ba thứ phát tâm ấy

Tất định được thành tựu

Còn lại bốn tâm kia

Không phải thành tựu cả.

Đức Phật đã quán xét về căn bản trong bảy cách phát tâm đó, nên chỉ dạy khiến phát tâm thì chắc chắn được thành tựu, vì đó không phải là lời nói hư giả. Nếu vì tôn trọng Phật, muốn bảo vệ chánh pháp, có tâm đại bi đối với chúng sinh, nên phát tâm bồ đề, ba tâm như thế tất được thành tựu, vì đó là căn bản sâu xa.

Các Bồ Tát khác chỉ dạy khiến phát tâm, thấy Bồ Tát hành đạo mà phát tâm, nhân nơi bố thí rộng khắp mà phát tâm, hoặc phát tâm do nghe hay thấy ba mươi hai tướng tốt của Phật, bốn thứ phát tâm này, phần nhiều không thành tựu, đôi khi cũng thành tựu, nhưng về căn bản thì chưa sâu dày.

***